Định luật hoa sen:
Hoa sen trong một hồ sen, mỗi ngày đều nở hoa với số lượng gấp đôi ngày hôm trước. Đến ngày thứ 30 thì hoa sen đã nở kín mặt hồ.
Xin hỏi: Đến ngày thứ bao nhiêu thì hoa nở được một nửa hồ sen?
Câu trả lời là ngày thứ 15 phải không?
Không phải vậy! Câu trả lời chính xác là ngày thứ 29.
Ngày thứ nhất chỉ nở một phần rất nhỏ, ngày thứ hai, hoa sen nở với tốc độ gấp đôi ngày thứ nhất.
Đến ngày thứ 29 thì hoa sen mới nở được một nửa.
Cho đến tận ngày cuối cùng, ngày thứ 30 thì một nửa số hoa sen trong hồ mới nở.
Cũng có nghĩa là: Tốc độ nở ngày cuối cùng là nhanh nhất, bằng với tổng số hoa nở của 29 ngày trước đó cộng lại.
Đây chính là "Định luật hoa sen" nổi tiếng.
Đạo lý sâu sắc ẩn chứa trong đó là: Thành công cần tích tụ lâu dài, chuẩn bị đầy đủ, cần phải tích lũy lắng đọng.
Liên hệ định luật này với cuộc đời, bạn sẽ phát hiện ra, cuộc đời của rất nhiều người như hoa sen trong hồ, khi bắt đầu thì dốc sức nở…
Nhưng dần dần họ bắt đầu cảm thấy khô khan nhạt nhẽo, thậm chí chán ghét. Họ có thể từ bỏ kiên trì vào ngày thứ 9, thứ 19, thậm chí vào ngày thứ 29.
Họ từ bỏ vào đúng lúc chỉ còn cách thành công có một bước chân.
Rất nhiều người, thậm chí có thể nói là đại đa số người có thể đạt được thành công, mấu chốt là ở nghị lực.
Người ta cho rằng đời người thường có khoảng 7 cơ hội, đều là những cơ hội thay đổi cuộc đời. Nhưng những cơ hội này đều là trước đó cần phải dốc sức và kiên trì từng ngày, ngày này qua ngày khác thì mới có thể gặp được.
Thế nên nếu có ước mơ thì trước hết hãy hành động, sau đó kiên định không lay chuyển, kiên trì thực hiện.
Định luật cây tre:
Cây tre mất 4 năm chỉ tăng thêm 3 cm. Nhưng từ năm thứ năm trở đi, nó sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày, và chỉ mất sáu tuần để phát triển lên 15 mét.
Thực tế trong 4 năm đầu cây tre đâm rễ vào lòng đất, dài đến hàng trăm mét.
Làm người, làm việc cũng như vậy. Không nên lo lắng những gì bạn gắng sức lúc này không được đền đáp, bởi vì những nỗ lực này đều là để mọc rễ, tạo cơ sở cho tăng trưởng sau này.
Cuộc đời cần dự trữ tích tụ. Có bao nhiêu người không đủ kiên trì như cây tre vượt qua 3 cm này?
Thế nào là giá trị? Cùng là hai cây tre, một cây làm cây sáo, một cây làm sào phơi quần áo.
Sào phơi quần áo không phục bèn hỏi cây sáo rằng: "Chúng ta đều là cây tre trên rừng, tại sao tôi ngày ngày phải dãi nắng dầm mưa mà chẳng đáng giá gì, còn anh lại đáng giá ngàn vàng?".
Cây sáo trả lời: "Bởi vì anh chỉ chịu một nhát dao, còn tôi phải chịu ngàn vạn dao cắt gọt, điêu khắc tinh tế mới thành".
Sào phơi quần áo lặng yên không nói được gì nữa.
Đời người cũng như vậy, phải trải qua sự tôi rèn mài giũa, chịu đựng cô đơn, gánh vác trách nhiệm thì cuộc đời mới có giá trị.
Thấy người khác huy hoàng thì chớ đố kỵ ghen ghét, bởi vì người ta đã bỏ công sức nỗ lực ra nhiều hơn bạn.
Từ xưa đến nay, những người có thành tựu đều không có bí quyết nào khác, đều là sẵn lòng dốc sức chịu gian khổ.
Thế giới này, người thông minh thì quá nhiều mà người sẵn lòng dốc sức chịu gian khổ lại quá ít, do đó người thành công chỉ là thiểu số.
Mọi người thường ngưỡng mộ những học giả bác học đa tài, bụng đầy kinh luân, nhưng nào có hay đó đều là kết quả của hàng chục năm ngày ngày tay không rời sách.
Thế nên người càng thông minh thì càng phải hiểu được khổ công dốc sức, chịu được gian nan.
Khi chuyên tâm vào một nghề thì sẽ đạt đến tinh thông, khi chuyên tâm vào một việc thì việc sẽ hoàn thành.
Trưởng thành không phải là 'một đập ăn ngay'. Thành công nào có con đường tắt, chẳng qua là quá trình tích tụ lâu dài, chuẩn bị đầy đủ mà thôi.
Đó chính là "Định luật cây tre".
Định luật ve sầu:
Ve sầu đầu tiên là ấu trùng sống trong lòng đất tăm tối trong 3 năm (còn có loài ve sầu ở Mỹ sống trong lòng đất 17 năm), phải chịu đủ các nỗi cô đơn tịch mịch, dựa vào từng giọt nhựa rễ cây mà lớn.
Cuối cùng vào một đêm hè, ấu trùng ve lặng lẽ bò lên cành cây, trong một đêm thoát xác biến thành ve sầu.
Sau đó đến thời khắc mặt trời mọc, ve sầu bay lên trời cao, bay tới tự do.
Đây chính là "Định luật ve sầu".
Càng gần đến thành công càng gian nan, càng cần kiên trì tiến bước
Cho dù là lập nghiệp hay trong cuộc sống, cái mà chúng ta thiếu không phải là năng lực, kỹ xảo, mẫu hình, mà là thiếu sự kiên trì và nghị lực.
Chỉ có kiên trì thay đổi về lượng thì mới có thể cuối cùng biến đổi về chất, mới có thể đột phá được điểm giới hạn, đạt được thành công.
Có người đã nói rằng: "Hôm nay rất hăng say nhiệt huyết, ngày mai còn hăng say quyết liệt hơn, ngày kia sẽ tốt đẹp. Nhưng đại đa số đều chết vào tối của ngày mai, không nhìn thấy ánh dương của bình minh ngày kia".
Rất nhiều người đều cách thành công một bước là đã buông xuôi từ bỏ nỗ lực rồi.
Những định luật này nói cho chúng ta biết một đạo lý: "Dốc sức đến cuối cùng, cái còn lại không phải là vận may hay thông minh, mà chính là nghị lực", đó là chìa khóa của thành công.
Thành công cần tích tụ lâu dài, chuẩn bị đầy đủ, cần phải nhẫn chịu những dày vò, đau khổ, phải chịu được nỗi cô đơn, kiên trì và kiên trì, lại kiên trì hơn nữa, cho đến thời khắc cuối cùng: Thành Công.
Đăng nhận xét