Từ nhỏ chúng ta được (mà thật ra là "bị") dạy rằng sự khác biệt là không tốt.
Cả trường mặc đồng phục giống nhau, bạn nào mặc đồ khác là liền bị nhắc nhở.
Tóc tai đều nên đúng theo chuẩn, con trai tóc ngắn con gái tóc dài. Hễ con gái cắt tóc ngắn và con trai để tóc dài là vô sổ đầu bài ngồi ngon lành. Tôi nêu ví dụ này vì hồi đi học tôi có một cái mong ước chẳng biết từ đâu ra là để tóc thiệt dài, nhưng đương nhiên là không được phép. Hơi hơi dài một chút là thầy cô nhắc, cờ đỏ nhắc, lớp trưởng nhắc, bác bảo vệ cũng nhắc nữa.
Và vở ghi chép phải đúng chuẩn với nhau. Viết bằng chữ, không được vẽ hình bậy bạ, dùng một màu mực và không được ghi những cái không có trong bài học vào vở.
Chúng ta được dạy là phải giống nhau, với lập luận là cái giống nhau đó là tốt nhất rồi, hãy làm theo. Đồng phục vậy là đẹp nhất, con trai tóc ngắn con gái tóc dài là đẹp nhất rồi, ghi vào vở giống bạn Hoài mới đi thi vở sạch chữ đẹp là nhất rồi.
Với môi trường đó tạo cho chúng ta tâm lý rằng sự khác biệt là xấu, và phải giống nhau, hòa vào đám đông mới là tốt.
*
Khi lớn lên, có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới thực tế hơn, được học từ nhiều nơi hơn, học từ Internet hay bạn bè khắp thế giới, rồi thực tế công việc, khiến chúng ta nhận ra rằng sự khác biệt không hề tệ như vậy. Mà thậm chí, sự khác biệt còn là điều tốt, giúp tạo ra sự sáng tạo đột phá.
Ở giai đoạn này, một người có thể nằm một trong ba trường hợp:
Có người vượt qua được nếp suy nghĩ cũ, vứt bỏ sự sợ hãi cái khác biệt và thay vào đó là sự tôn trọng. Và chính họ cũng trở thành một người khác biệt với đám đông, đầy tự tin và sáng tạo. Nếu bạn nằm trong nhóm này thì rất chúc mừng bạn.
Có những người thì trầm trọng hóa nỗi sợ sự khác biệt. Họ trở nên cực đoan với những điều họ đã tin là đúng, là chuẩn rồi, và bất cứ cái gì khác đi đều trở thành kẻ thù của họ. Nên chúng ta sẽ thấy chẳng lạ trên mạng xã hội khi một ai đó làm điều khác lạ thì sẽ có một đám đông sẵn sàng gạch đá và lý lẽ mòn cũ để chỉ trích.
Nhóm người còn lại, nằm ở giữa hai nhóm người trên. Họ vẫn đang mông lung vì thấy rằng những tiêu chuẩn đang có cũng tốt, mà có thêm sự khác biệt cũng tốt, mà cứ giữ cái cũ hoài cũng chán, mà ý tưởng mới lạ kia rủi ro quá. Họ hiểu vai trò của sự khác biệt, nhưng vẫn thấy không thể tiêu hóa nổi các ý tưởng kỳ dị của một người bạn. Họ biết nghệ thuật phải sáng tạo, phải đột phá, nhưng vẫn không thể ưa được một nghệ sĩ phá cách nào đó.
Tôi nằm trong nhóm này, và bài viết này chỉ dành cho những bạn thấy mình đang nằm trong nhóm "trung bình" này thôi. Mục đích của bài viết là làm rõ một vài khía cạnh tích cực của sự khác biệt, để rồi từ đó tôi và các bạn có cái nhìn cởi mở hơn, dù chỉ một chút thôi, nhưng dần dần sẽ đủ cởi mở để chấp nhận mọi sự khác biệt giữa con người với con người, giữa ý tưởng cũ và mới, giữa "chúng ta" và "họ".
*
Thuở xưa ơi là xưa của sự sống, khi lúc đó tất cả các tế bào sống đều giống nhau, là một tế bào đơn lẻ và lâu lâu nhân đôi ra thành hai tế bào. Rồi đột nhiên một tế bào nọ muốn khác đi. Nó bảo "Tôi không muốn giống như vậy nữa, chán quá à. Từ nay tôi sẽ kết hợp với một vài tế bào khác để chúng tôi cùng sống". Nói là làm thiệt, nó trở thành hệ đa bào đầu tiên trong thế giới đơn bào. Rồi câu chuyện cứ thế tiếp diễn, lâu lâu lại có một sinh vật chán cái sự giống nhau với đồng loại, nó làm khác đi một chút. Một con cá chán biển lên đất liền. Một con cá khác chán vây mọc chân. Một con khủng long chán đi bộ nên mọc cánh để bay. Và rồi chúng ta có thế giới như ngày nay. Thử tưởng tượng nếu không có sự khác biệt từ ban đầu đó, thì giờ tôi và bạn vẫn là một tế bào đơn bào nào đó.
Tổ tiên của chúng ta hồi xưa cũng vậy. Loài vượn người lúc đó đang đi bằng bốn chân, vẫn ăn no không cần mặc vẫn ấm, yên bình và hạnh phúc. Đột nhiên có một con vượn không thích thế, nó đứng lên và cố gắng đi bằng hai chân. Cả đàn nhìn nó phản đối, đồ khùng, muốn chơi trội gì mà bày đặt đi hai chân thế hả. Thậm chí còn bị các con khác ném đá vào đầu nữa. Có thể đó là lý do vì sao ngày nay đôi lúc chúng ta thấy mình bị khùng khùng, là hậu quả ngày xưa tổ tiên bị ném đá thế đó. Nhưng khi con vượn đó bước đi bằng hai chân, thì chân trước, hay còn gọi là tay, được tự do và có điều kiện để làm những thứ khác. Nó sẽ cầm gậy để đào củ, chế rìu để chặt cây, cần lao để săn mồi. Đó là cả một bước tiến của loài người. Phải có những lúc bất thường, những lần đầu tiên khác biệt kỳ dị đó thì chúng ta mới có sự tiến hóa và rồi tiến bộ như sau này.
Trong công ty, môi trường làm việc của chúng ta hàng ngày, lại càng thấy vai trò quan trọng của sự khác biệt. Mỗi người ở mỗi phòng ban có vai trò khác nhau, kỹ năng khác nhau, hợp tác lại giúp công ty vận hành trơn tru và hiệu quả. Có cậu bạn kia kỳ quái luôn đặt những câu hỏi bất thường nhưng lại chính là người sáng tạo nhất với những ý tưởng tiếp thị hiệu quả. Cô bé ít nói không thường nói chuyện với mọi người nhưng lại chính là người sâu sắc nhất với những gì cô ấy viết ra. Chẳng hiếm, nếu như không muốn nói là luôn luôn, rằng chúng ta tìm thấy sự khác biệt của ai đó, sự bất thường của họ so với tiêu chuẩn thông thường, lại chính là những người có đóng góp to lớn cho công việc.
*
Nên phải nói là "Sự khác biệt" là nhân tốt cốt yếu của cuộc sống. Nó không chỉ là nhân tố quan trọng của sự tiến bộ và sáng tạo và động lực của sự phát triển. Mà nó còn là điều luôn luôn diễn ra, luôn hiện hữu ở bất cứ đâu.
Chúng ta không được dạy về cách tôn trọng sự khác biệt. Nhưng chúng ta có thể học nó. Chúng ta hiểu về sự khác biệt. Chúng ta biết rằng nó đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn hẳn những cảm giác khó chịu ban đầu. Chúng ta cũng hiểu rằng sự khác biệt có thể bị phản đối, nhưng bị phản đối không hẳn là chúng ta sai. Nên chúng ta phải đủ mạnh mẽ để trở nên khác biệt, để tiếp tục với niềm tin của mình, để biết đâu đấy, chúng ta đang tạo ra sự đổi mới.
Chúc mọi người thật khác biệt, và thật tôn trọng sự khác biệt ở những người khác.
Đăng nhận xét