Chàng sinh viên khoa âm nhạc bước vào phòng tập
luyện. Trên cây đàn dương cầm là một bản nhạc hoàn toàn mới, độ khó rất cao…
Anh cầm bản
nhạc lên nhìn đi nhìn lại, miệng lẩm nhẩm theo từng nốt nhạc. Bất giác, anh cảm
thấy ước mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm của mình dường như đang rơi xuống vực
thẳm, không còn lại gì.
Đã ba tháng
rồi, kể từ khi theo học người thầy hướng dẫn mới, anh không biết tại sao thầy lại
dùng cách thức này để “hành hạ” mình?
Gượng gạo lấy
lại tinh thần, anh bắt đầu nhấn từng phím đàn. Tiếng đàn ngân nga vang dội khắp
căn phòng luyện tập, lấn át tiếng bước chân của người thầy đang đi đến.
Thầy giáo hướng
dẫn là bậc thầy dương cầm có tiếng trong giới nghệ thuật. Ngay từ ngày đầu
tiên lên lớp, ông đã giao cho các học trò của mình một bản nhạc mới.
“Em hãy đàn thử xem sao!”, thầy giáo
lạnh lùng nói.
Đây là bản
nhạc cổ điển có độ rất cao, khiến anh học trò cứ loạng quạng trên phím dương cầm,
các ngón tay cứng nhắc như không thể làm chủ được bản đàn của mình.
“Vẫn chưa quen ư, về nhà hãy cố gắng tập luyện nhiều vào!”. Thầy giáo chỉ dặn dò ngắn gọn với vẻ mặt thản nhiên, dường như
không thèm bận tâm khi anh học trò đang vật vã với từng nốt nhạc.
Sau một tuần
vất vả luyện tập, chàng sinh viên lại hồi hộp đợi chờ đến giây phút thầy giáo
kiểm tra bài. Nhưng không ngờ lần này ông không hề nhắc đến bài cũ mà chỉ đưa
cho anh bản nhạc mới với độ khó cao hơn.
“Hãy thử xem sao!”. Anh học trò lại lần
nữa vùng vẫy trong thử thách còn chông gai hơn trước.
Tuần thứ ba,
bản nhạc khó hơn lại xuất hiện, tình trạng vẫn tiếp tục như cũ…
Cứ như vậy,
mỗi tuần trôi qua anh sinh viên lại choáng ngợp trong một bản nhạc hoàn toàn mới,
rồi lại phải mang về nhà tiếp tục luyện tập, sau đó lại trở lại lớp học, lần nữa
đối mặt với bản nhạc còn khó hơn gấp bội. Nhưng dù có cố gắng thế nào anh cũng
không theo kịp tiến độ, không có nổi một chút cảm giác thành thục của những lần
luyện tập trước đó.
Người học
trò mỗi lúc một cảm thấy bất an, bi quan và chán nản. Cho tới khi không thể
chịu đựng thêm được nữa, anh quyết định sẽ hỏi thầy rằng, vì sao thầy không ngừng
giày vò anh như vậy?
Thầy giáo chỉ
mỉm cười rồi lấy ra bản nhạc đầu tiên đưa cho học trò mình. “Em hãy đàn xem sao!”, ông nhìn
anh bằng ánh mắt kiên định.
Và chuyện
không ngờ đã xảy ra, ngay đến cả bản thân anh cũng không dám tin vào đôi
tai mình. Tiếng nhạc du dương như vũ điệu của thiên nga trên mặt hồ, và các
ngón tay của anh như đang múa trên phím đàn. Thì ra anh có thể chơi bản nhạc
này tuyệt vời đến như vậy, thông thạo đến như vậy!
Thầy giáo lại
đưa cho anh bản nhạc của tuần thứ hai, và ngạc nhiên thay, anh có thể gảy nó hết
sức thành thục điêu luyện. Sau khi diễn tấu xong, anh ngây người nhìn thầy
giáo, xúc động không nói nên lời.
“Nếu như thầy cứ mãi giao cho em bản nhạc mà em am hiểu nhất,
thì có lẽ em sẽ không có được trình độ như bây giờ”, người thầy chậm rãi nói.
“Con người ta chỉ muốn thể hiện những gì mà mình am hiểu và những
gì thuộc về sở trường của mình. Nhưng mà, nếu chúng ta dám đối mặt với thách thức
mới, dám dấn thân vào cửa ải mới, thì chúng ta sẽ giật mình hiểu ra rằng: thử
thách trong công việc nhìn thì thấy giống như khua chuông gõ mõ, nhưng hoàn cảnh
áp lực ấy lại dưỡng thành năng lực của mỗi người. Bởi vì, bên trong mỗi chúng ta đều có khả năng tiềm tàng vô hạn!”.
***
Trong cuộc sống,
nếu chúng ta cứ mãi lưu giữ hình bóng trước đây mà không dám đột phá thay
đổi, thì chúng ta sẽ mãi sống trong quá khứ của mình. Bởi vì, những người thành
công là những người dám thay đổi cách nghĩ của bản thân để phù hợp với mọi thử
thách mới.
Vậy nên, giống
như lời vị thầy giáo kia đã nói: “bên trong mỗi chúng ta đều có khả năng tiềm
tàng vô hạn”. Nếu bạn muốn tiến lên những nấc thang cao hơn, thì đừng ngại ngần
bước thêm một bước chông gai. Bởi khi đã vượt qua rồi, bạn sẽ thấy trước mắt
mình là một bầu trời xanh bao la vẫy gọi…
Đăng nhận xét