Trong cuốn sách "Ai lấy miếng Pho Mát của tôi?" hình ảnh nhân vật Chậm Chạp sẽ phác họa chính xác mỗi chúng ta, ngại khó, ngại khổ thế nhưng khi được thử lửa đã vượt qua chính mình và gặt hái thành công.
Lo lắng quá nhiều về tương lai chẳng bao giờ dẫn bạn đến
đâu. Nếu muốn thành công, hãy gạt bỏ mọi sợ hãi và những lời khuyên “bàn lùi” của
người xung quanh. “Just do it!”, sự liều lĩnh và quyết tâm thay đổi sẽ chỉ cho
ta con đường chính xác.
Nếu vẫn còn cầu toàn và thực dụng, bạn sẽ chẳng bao giờ
tìm được “Pho Mát thành công”
Nếu đọc cuốn sách nổi tiếng “Ai lấy miếng Pho Mát của
tôi?” của Spencer Johnson, 80% người trẻ hiện nay sẽ thấy hình ảnh của mình
trong nhân vật anh chàng tí hon có tên Chậm Chạp.
Cậu ta là một trong bốn cư dân của một vùng đất mê cung,
nơi nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm Pho Mát được giấu kín.
Sau khi cùng bạn bè tìm được một kho Pho Mát khổng lồ,
chàng Chậm Chạp sung sướng vô cùng. Nhưng sự đảm bảo an toàn cũng khiến cậu dần
trở nên đủng đỉnh hơn.
Chậm Chạp thanh thản hưởng thụ cuộc sống bình an với niềm
tin vững chắc: Pho Mát sẽ không bao giờ biến mất!
Nhưng một ngày nọ, kho Pho Mát bỗng “bốc hơi” hoàn toàn
như chưa từng tồn tại! Biến cố này buộc các cư dân của mê cung phải rời xa nhịp
sống êm đềm, bước vào cuộc hành trình khó khăn tìm kiếm “miếng ăn” mới.
Trong bốn cư dân có hai chú chuột sống đơn giản, hăng hái
lao ngay vào mê cung để tìm kiếm Pho Mát, nếu lỡ lạc đường cũng vui vẻ quay lại
tìm hướng khác, không toan tính nhiều.
Ngược lại, hai con người tí hon tên Chậm Chạp và Ù Lì thì
vô cùng luyến tiếc kho Pho Mát cũ và liên tục than vãn về kẻ xấu xa nào đó đã
cướp Pho Mát của họ.
Mang trong mình những toan tính của con người, Chậm Chạp
và Ù Lì rất ngại bước sâu vào mê cung.
Tại sao phải dấn thân vào con đường nguy hiểm đầy rẫy cạm
bẫy đó, trong khi nếu kiên nhẫn chờ đợi, rất có thể kẻ trộm hôm trước sẽ trả lại
Pho Mát cho họ?
Nhưng rồi Chậm Chạp cũng dần hiểu ra Pho Mát sẽ không
quay lại, “miếng ăn” sẽ không được bày sẵn ra trước mặt mình như trước nữa.
Cậu cố gắng khuyên Ù Lì hãy đứng dậy đi vào mê cung để bắt
đầu tìm kiếm, nhưng anh ta nhất quyết không chịu.
Thậm chí Ù Lì còn đe dọa rằng, nếu Chậm Chạp cứ bướng bỉnh
đi một mình thì sẽ sớm gục ngã và bỏ cuộc thôi.
Phải rất khó khăn Chậm Chạp mới vượt qua được sự ám ảnh về
những lời dọa dẫm của Ù Lì.
Một mình bước vào mê cung, cậu không những liên tục lạc
đường mà bước chân còn trĩu nặng vì cô đơn. Nhưng càng mạnh dạn dấn bước sâu
hơn, Chậm Chạp càng nhận ra mình đang đến gần hơn với điểm đích.
Sự kiên trì và quyết tâm không bỏ cuộc cuối cùng đã giúp
anh chàng tí hon tìm ra được một kho Pho Mát mới!
Lúc này, Chậm Chạp thật sự hiểu rằng sẽ không có điều gì
tồn tại mãi mãi, nhưng sau cuộc hành trình gian khó, cậu tin mình sẽ không bao
giờ còn sợ hãi trước những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Có câu “Đừng mang luật chơi cũ vào một môi trường mới”,
hay con người luôn phải tự thích ứng và thay đổi cho phù hợp với mọi hoàn cảnh
cuộc sống.
Phần lớn chúng ta hiện tại đều giống như Chậm Chạp, biết
rằng chính mình phải tự vận động nếu muốn có được “Pho Mát thành công”.
Nhưng chính tính cầu toàn, ăn chắc và thói quen “há miệng
chờ sung”, không muốn hao tổn công sức… lại kìm kẹp chúng ta, ngăn ta quyết tâm
thay đổi.
Bên cạnh đó, chúng ta lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi những
người như Ù Lì – họ luôn có niềm tin vô ích vào sự đảm bảo trong quá khứ, đặt kỳ
vọng vào tương lai hão huyền và liên tục đưa ra những “lời khuyên”, “cảnh báo”
đầy tính… bàn lùi.
Thay đổi là chuyện đương nhiên, vì thế hãy ngưng than vãn
để nhìn nhận mọi chuyện theo hướng tích cực
Phần lớn chúng ta đều được nuôi dưỡng để lớn lên là những
người biết suy tính cẩn thận. Trước khi nói phải nhớ “uốn lưỡi 7 lần”. Làm việc
gì cũng phải “nhìn trước ngó sau”, phải “nghĩ cho chín”. Nhưng điều gì cũng có
hai mặt.
Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã
cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe
chuyện xấu.
Như vậy, khi hoàn cảnh biến chuyển và khó khăn hiện hữu,
ta sẽ chỉ thêm sợ hãi và lo lắng bởi chỉ biết suy nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, đặc điểm chung của những người thành công là
không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn
không ngừng làm mới mình.
Tờ báo lừng danh Washington Post có lẽ đã sớm lụn bại
trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của truyền thông hiện đại nếu ông chủ Jeff
Bezos không nhanh chóng cải tổ lại bộ máy “già nua”.
Ông cho xây hẳn một tòa soạn mới theo mô hình tân tiến nhất,
lắp đặt các thiết bị hiện đại để hỗ trợ phân tích số liệu, nhu cầu đọc của độc
giả… và đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm báo chí mới mẻ bắt kịp xu hướng.
Hay gần gũi hơn với chúng ta là sự thay đổi không ngừng của
Facebook.
Mặc dù đã có hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu, Mark
Zuckerberg và các cộng sự vẫn liên tục cập nhật các tính năng mới để tối đa thời
gian chúng ta “lang thang” trên mạng xã hội này.
Cuộc sống không ngừng biến chuyển, và chúng ta cần phải
biết thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh
Hãy nhớ rằng, bất cứ ai trên đời cũng phải thay đổi nếu
không muốn bị tụt hậu. Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời,
rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình.
Nếu phá vỡ được mọi xiềng xích đang kìm hãm tiềm năng bản
thân, bạn nhất định sẽ có thể chinh phục chặng đường chông gai trước mắt!
Đăng nhận xét