Cuộc sống là một hành trình mà mỗi bước đi đều mang cho ta một
trải nghiệm đáng quý. Để đi đến thành công, kỹ năng và trí thông minh là chưa
bao giờ đủ. Hãy đọc 4 câu chuyện dưới đây để rút ra những bài học vô giá cho
mình.
Câu chuyện thứ nhất: Hai
người chặt củi
Có 2
người đàn ông vào rừng đốn củi. Một người ra sức chặt củi, chặt từ sáng đến
trưa không nghỉ, thậm chí còn không ăn trưa. Người còn lại vừa chặt củi vừa nghỉ
lấy sức, thậm chí còn chọn chỗ thật mát để ăn trưa tới những 20 phút.
Cuối
ngày, kết quả thật kỳ lạ, người chăm chỉ chặt củi lại thu được số củi ít hơn
nhiều số củi mà người kia chặt được. Người chăm chỉ vô cùng thắc mắc: “Tại
sao tôi làm việc chăm chỉ như vậy, thậm chí còn không ăn trưa mà số lượng củi của
tôi lại ít hơn của anh?”
Người
kia chậm rãi từ tốn trả lời: “Anh không thấy là tôi vừa ăn cơm vừa mài rìu
sao?”
Suy ngẫm:
Khi tiến hành một công việc,
người biết tính toán, nắm bắt công việc mình cần những gì và lên kế hoạch hợp
lý sẽ luôn thành công hơn những người chỉ biết cắm cúi làm mà không lên kế hoạch.
Câu chuyện thứ hai: Con lừa
và bao muối
Một người
lái buôn, từ biển đánh Lừa chở một bao đầy muối đi về nhà, đến một khúc sông cạn
có thể đi qua. Trước đây họ đã đi qua khúc sông này nhiều lần bình an vô sự,
nhưng lần này, khi mới đi được đến giữa sông, con Lừa bỗng trượt chân và té xuống
nước. Khi người lái buôn cuối cùng đã vực được Lừa đứng dậy, phần lớn số muối
đã bị tan vào nước. Sung sướng vì đã nhẹ hẳn với món hàng trên lưng, con Lừa hớn
hở đi nốt đoạn đường về nhà.
Hôm
sau, người lái buôn lại bắt Lừa đi chở muối một lần nữa. Trên đường đi, con Lừa
bỗng nhớ đến sự việc xảy ra ngày hôm trước, nên tại chỗ cạn đi qua sông, nó liền
cố ý té xuống, và một lần nữa lại thoát được phần lớn món hàng nặng nề đè trên
lưng nó.
Người
lái buôn giận dữ lập tức quay lưng đánh Lừa trở lại biển, chất lên lưng Lừa hai
bao bọt biển thật to. Đến khúc sông cạn, con Lừa lại một lần nữa, cố ý té xuống,
nhưng khi nó cố sức gượng dậy, nó hết sức buồn phiền lê từng bước một về nhà với
món hàng trên lưng thấm nước nặng gấp mười lần bình thường trước đây.
Suy ngẫm:
Kinh nghiệm là bí quyết trong mọi vấn đề, giúp chúng ta có thể
sáng suốt hơn trong mọi việc nhưng kinh nghiệm không hẳn đúng trong mọi trường
hợp mà phải dùng lý trí để suy xét. Đặc biệt, nếu áp dụng kinh nghiệm đó cho mục
đích không tốt của bản thân thì cuối cùng cũng gặp tai họa.
Câu chuyện thứ ba: Câu
chuyện về người thợ rèn
Có người
thợ rèn nọ thường gánh đồ nghề đi khắp làng để sửa chữa đồ dùng cho mọi người.
Vì ông làm việc khéo léo, lại tốt bụng và giá cả cũng phải chăng nên có rất
đông khách hàng. Chỉ dựa vào công việc này mà ông có thể nuôi sống cả gia đình.
Một
hôm, ông lại gánh đồ nghề đi trên đường làng như mọi khi. Bỗng nghe tin Hoàng
thượng sắp đi qua đây. Ông vội tránh vào vệ đường và quỳ rạp xuống, hy vọng có
cơ hội ngắm nhìn dung nhan thánh thượng. Không ngờ, ông có cảm giác như là tiếng
vó ngựa rất gần mình. Ông tò mò ngẩng đầu lên, thì thấy ngự giá của Hoàng thượng
đang ở ngay trước mặt. Quá sợ hãi, ông vội dập đầu lia lịa xin tha tội.
Hoá ra
khi đi ngang qua người thợ rèn, Hoàng thượng nhìn thấy gánh đồ nghề bên cạnh
ông nên nghĩ ông là một người thợ sửa chữa. Lúc này vương miện của Hoàng thượng
đang có mấy chỗ lỏng lẻo vì xe quá xóc, nên nhà vua mới quyết định đỗ lại để sửa
chữa.
Người
thợ rèn vội quỳ xuống bắt đầu sửa vương miện. Nhà vua thấy tay nghề của ông giỏi,
nên rất ưng ý, thưởng ngay cho ông một trăm lạng bạc. Người thợ rèn sung sướng
chạy như bay về nhà. Nhưng ông chợt nhìn thấy có một con hổ ở bên vệ đường. Ông
vô vùng sợ hãi song vội định thần lại, vì thấy con hổ hình như không có ác ý
gì. Nó đang giơ cao một chân trước lên, nét mặt lộ rõ vẻ đau đớn.
Ông lấy
hết can đảm tiến lại phía con hổ, phát hiện chân nó bị một cái gai rất to đâm
vào. Ông vội vàng lấy dụng cụ ra, giúp con hổ bỏ cái gai đó đi. Con hổ tỏ ra rất
biết ơn và đền ơn ông một con hươu to.
Người
thợ rèn cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện. Từ hôm đó, ông không gánh dụng cụ
đi khắp nơi nữa, mà treo một cái biển to trước cổng nhà với nội dung:
‘Chuyên sửa mũ cho vua, nhổ gai cho hổ’.
Nhưng cũng từ đó, công việc
làm ăn của ông ngày càng sa sút, khiến gia đình khốn đốn.
Suy ngẫm :
Làm người luôn giữ được sự thật thà, tốt bụng, cần mẫn siêng
năng, đứng trước thành công vẫn bảo trì được thái độ từ tốn không kiêu ngạo
hênh hoang thì cuộc sống hay công việc mới được an vui, vững bền. Đó cũng chính
do công đức của việc rèn luyện thân tâm mà có được kết quả tốt đẹp. Nếu không
biết gìn giữ đức hạnh, chỉ một chút may mắn, thành công đã tỏ ra hơn người thì
sẽ tổn đức và cuộc sống sau này sẽ gặp nhiều gian khó.
Câu chuyện thứ tư: Con cáo
và chuồng gà
Một con
cáo đi kiếm ăn, sau khi đi một hồi nó mừng rỡ vì nhìn thấy một chuồng gà không
có ai canh giữ, nó định chui vào thì nhìn thấy hàng rào quá bé, không thể chui
lọt với cái bụng to của mình.
Cáo
nghĩ hồi lâu, vì đã lâu không được ăn gà nên nó quyết định sẽ nhịn ăn 3 ngày để
bụng nhỏ lại, sau đó sẽ chui vào chén một bữa no nê.
Và 3
ngày sau, khi bụng đã nhỏ lại, cáo đã chui lọt vào trong chuồng và chén thịt gà
một bữa thỏa lòng mong ước.
Thế
nhưng sau đó nó nhận thấy rằng, vì ăn quá no, bụng nó đã lại to như lúc trước
và lại không chui lọt cái khe rào đó, nó lại phải chấp nhận nhịn đói 3 ngày nữa
thì mới ra được.
Khi ra
khỏi chuồng gà, cáo xót xa nghĩ bụng: “Thật là công toi, chỉ vì bữa ăn mà
mình đã mất đi quá nhiều thời gian và chịu bao nhiêu là khổ sở, cuối cùng vẫn
phải vác cái bụng đói mà đi về!”.
Suy ngẫm:
Cuộc sống cũng như vậy, đôi khi chúng ta lao vào tìm kiếm miếng
ăn ngon mà quên mất rằng chúng ta cũng phải đánh đổi nhiều thứ như con cáo vậy,
và tới khi đạt được rồi mới hối tiếc vì chúng ta đã để lỡ nhiều thứ còn quý giá
hơn.
Để thực
hiện được giấc mơ, bạn hãy tích lũy cho mình thật nhiều kinh nghiệm và kiến thức,
lên kế hoạch thực hiện công việc một cách rõ ràng, tỉ mỉ. Khi có được thành
công không nên huênh hoang, khoác lác, tỏ thái độ khinh người mà phải điềm
tĩnh, khiêm tốn thì thành công mới vững bền.
Tuy
nhiên, để đạt được điều mong muốn mà đánh đổi tất cả từ tuổi trẻ, hạnh phúc, thời
gian đến mạng sống thì đó chính là thất bại. Tiền thật sự rất quan trọng nhưng
đời người hữu hạn, bạn cần trân quý những phút giây hiện tại và sống hết với
lòng mình vì một khi những thứ quý giá mất đi, tiền không thể mang chúng trở lại.
Biết cân bằng giữa công việc và gia đình, sức khỏe và bản thân mới là thành
công tuyệt vời nhất.
Đăng nhận xét