Lời yêu thương, ta vẫn
thường nói, rằng “Con thương mẹ” hoặc “Anh/em yêu em/ anh”… Ba từ được phân
tích ngữ pháp gồm ngôi thứ nhất (con, anh, em…) cộng với động từ (yêu/ thương)
và ngôi thứ hai (ba, mẹ, anh, chị, em…) ấy đôi khi cũng thật khó nói. Khó nói
vì ta không quen nói, cái gọi là “văn hoá” đã cột ta lại, để ta không dám nói,
hoặc nói một cách ngượng ngùng!
Ngôn ngữ giúp ta biểu
đạt suy nghĩ, tình cảm. Nhưng, đôi khi ngôn ngữ vụng về đến độ khi cần diễn đạt
nó lại không đủ sức thuyết phục người khác, dù mình đã rất thật thà. Sự vụng về
của ngôn ngữ trong trường hợp này đôi khi do mình thiếu kỹ năng, và cũng có khi
do mình thương (yêu) là thật nhưng mình lại không hiểu người mình thương.
Đôi khi điệp khúc
“anh/em yêu em/anh” trở nên khô khốc nếu mình cứ lặp lại nó như một chiếc máy
nói, vô cảm! Đó là khi những tin nhắn không được làm mới, hoặc những câu nói chỉ
là “chót lưỡi, đầu môi” chứ thực tế thì ta không thương người, chỉ thương những
cảm xúc của mình.
Đôi khi, ngôn ngữ vụng
về… khi nó “tố” chủ nhân sử dụng nó. Khi người ta bảo rằng họ thương/yêu mình
hơn cả chính họ, nhưng họ không thấy được rằng sự quản lý, bó buộc của họ đã
làm cho mình mệt nhoài. “Anh/em đi đâu đó, đang làm gì…?”. Những câu hỏi ấy tưởng
chừng là những quan tâm, nhưng thực ra nó đóng vai trò như một camera quan sát
(giám sát) chính người được gọi là người thương!
Mình có thật sự thương
họ, hay là thương mình, và nếu thật sự thương thì mình có cần thiết phải kiểm
tra gắt gao như thế? Niềm tin của mình để đâu trong trường hợp này? Thế mới biết,
thương một người, nói yêu thương và hỏi han chia sẻ cũng là một nghệ thuật, thứ
nghệ thuật mang tên ứng xử. Tất nhiên nghệ thuật ứng xử không phải là diễn mà
là trên cơ sở của lắng nghe, hiểu sâu và thương trúng!
Ai
nói gì thì mình cứ nghe/ Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều… Tôi vẫn thường ngân nga câu “thần chú” ấy
để nuôi dưỡng tình thương nơi mình. Tôi thực tập lắng nghe, nghe đủ loại ngôn
ngữ, lời nói và cách biểu đạt tình cảm (một thứ ngôn ngữ bắt đầu từ tâm-ý con
người). Thứ ngôn ngữ thể hiện bằng hành động, ánh mắt ấy nhiều khi không cần phải
nói, và nói thì không thể diễn bày hết được, nó phải được lắng nghe bằng cách
quan sát, bằng cái nhìn thật sâu sắc.
Lắng nghe mọi người, để
hiểu và thương. Đó cũng là một cách nói rằng: tôi luôn có mặt cho mọi người, nhất
là những người đang khổ đau. Chỉ cần bạn ngồi thật vững chãi, nghe thật chăm
chú, nghe mà không phán xét, không phản ứng… thì bạn có tin là nó có giá trị
hơn cả trăm vạn lời khuyên sáo rỗng, xã giao? Tôi đã từng được lắng nghe như thế,
và từng thực tập ngồi nghe như thế nên tôi ngộ ra rằng, đôi khi ngôn ngữ thật vụng
về. Để rồi, tôi đi thêm một bậc thềm nữa trên lộ trình thương yêu, tự hứa với
lòng mình rằng: đôi khi ta cần im lặng, thứ im lặng hùng tráng đủ để chuyển hoá
nỗi đau và lắng dịu nỗi sân hận của con người.
Hãy thử ngồi im một lần
khi bạn bị đời và người với những nỗi sân hận ngập trời đục đẽo đi, rồi bạn sẽ
thấy bình yên bởi sự im lặng ấy cao thượng đến độ làm cho người ta kịp xấu hổ,
nhận ra mình sao “kỳ cục, nhẫn tâm”, sao vô tình đến độ có thể làm hại một “pho
tượng”!
Có đôi khi ngôn ngữ vụng về... - Ảnh: Internet
|
Ngôn ngữ, đôi khi vụng
về lắm. Nhưng ngôn ngữ nếu biết cách dùng, để nó là tiếng nói từ trái tim chân
thật, biểu hiện đúng nơi, đúng chỗ, và đúng người thì nó sẽ làm cho mình và người
hạnh phúc vô bờ. Kiểu như, một hôm nào đó, bạn gọi điện về cho ba mẹ và nói rằng:
con cảm ơn ba mẹ!
Nói điều ấy thật thiết
tha, với lòng biết ơn thật sự, bạn có tin là ba mẹ bạn sẽ rưng rưng, thứ nước mắt
được gọi tên là hạnh phúc.
Đăng nhận xét