Coach Wooden được mệnh danh là huấn luyện viên huyền thoại vì những
thành tích mà ông đạt được trong sự nghiệp của mình. Có thể kể ra như:
- Mười giải vô địch liên hiệp các trường đại học Hoa Kỳ
(NCAA)
- Bảy
giải vô địch NCAA trong 7 năm liên tiếp: 1967, 1968, 1969, 1970, 1971,
1972, 1973
- Xuất
hiện trong vòng tứ kết nhiều nhất: 16 lần; xuất hiện liên tiếp nhất: 9
lần; và chiến thắng nhiều nhất: 21 lần
- Chiến
thắng liên tiếp nhiều nhất: 88 trận trong suốt các năm 1971, 1972, 1973
- Tám
mùa giải Pac 8 Conference hoàn hảo
- Tỉ
lệ chiến thắng trong suốt 40 mùa giải: 813
Nhưng cái mà mình quan tâm hơn cả không phải là kết quả của
Coach Wooden, mà là điều gì đã tạo nên những kết quả đó? Khi chúng ta tìm hiểu
về một người thành công, đừng nhìn vào kết quả mà hãy học cách họ tư duy và triết lý sống
của họ. Coach Wooden chính là một trong những ví dụ điển hình cho việc có tư
duy và triết lý sống đúng đắn.
Vậy điều gì đã tạo nên con người ông?
Khi ông tốt nghiệp lớp 8, cha của ông Joshua Hugh Wooden đã tặng
cho ông hai món quà là “một
tờ tiền hai đô la, và một tấm thẻ nhỏ ghi một bài thơ ở một mặt và bảy nguyên tắc
sống ở mặt còn lại.” Bài thơ của Henry Van Dyke có nội dung như
sau:
Bốn điều mà một người đàn ông cần phải học
Nếu như anh ta muốn cuộc đời mình thật hơn bao giờ hết:
Suy nghĩ thấu đáo và minh định,
Yêu thương đồng loại một các chân thành,
Hành động với một động cơ trong sáng và trung thực,
Tin tưởng vào Chúa và Thiên đàng.
Ở mặt bên kia, là bảy nguyên tắc mà cha ông đã viết ra:
- Sống thật với chính mình.
- Giúp đỡ người khác.
- Biến mỗi ngày của mình thành một kiệt tác.
- Thưởng thức những quyển sách hay
- Bạn bè là một nghệ thuật tinh tế.
- Dựng xây một pháo đài vững chãi trước mọi khó khăn và
thử thách bằng chính cuộc đời bạn.
- Nguyện cầu cho sự dẫn dắt và đưa lối của Chúa trời. Hãy
biết ơn mỗi ngày mình đang sống.
Khi Joshua Wooden đưa tờ giấy cho cậu trai 12 tuổi John Wooden,
ông chỉ đơn giản nói: “Con
trai, hãy cố gắng sống với những điều này.”
Bảy nguyên tắc đó trở thành kim chỉ nam cho Coach Wooden trong
suốt phần đời còn lại của ông. Nó tạo dựng nên nhân cách và phẩm giá của ông
trong suốt quá trình làm Huấn Luyện Viên. Và các cầu thủ chơi dưới sự dẫn dắt của
ông cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bảy nguyên tắc này thông qua cách mà Coach
Wooden sống và làm gương cho họ.
Có lẽ đến đây các bạn cũng đã bắt đầu thắc mắc từng nguyên tắc
này được diễn giải như thế nào rồi đúng không? Đừng lo, mình sẽ bắt đầu ngay
đây. Do mỗi nguyên tắc này đều được diễn giải khá dài nên mình sẽ chia nó thành
một chuỗi bài 7 phần cho mỗi nguyên tắc. Mình tin chắc rằng sau khi đọc xong, bạn
sẽ bị tác động rất lớn về mặt tư tưởng và nhận thức.
Nào, chúng ta bắt đầu với nguyên tắc đầu tiên:
Nguyên
tắc 1 – Sống thật với chính mình
Trong khoảng thời gian từ năm 1966 – 1969, đội UCLA (tên của đội
bóng do Coach Wooden dẫn dắt) có một cầu thủ tên là Lew Alcindor có chiều cao đến
hơn 1m8. Trong một chuyến du đấu, xe buýt tấp vào nhà hàng để dùng bữa. Lúc này
Lew Alcindor đang ngồi cạnh Coach Wooden và xem qua thực đơn thì nghe thấy tiếng
thì thầm “Nhìn con quái
vật đen thui kia kìa!”
Lewis bị tổn thương đến mức trào nước mắt.
Coach Wooden lúc ấy bèn nói: “Lewis
à, con người ghét những gì họ không biết và những gì họ e sợ. Nhưng con đừng bao
giờ ngừng sống thật với chính bản thân mình.”
Lewis mỉm cười lại với Coach. Và anh không bao giờ quên lời
khuyên ấy suốt cuộc đời mình.
Coach Wooden khi hồi tưởng lại nguyên tắc thứ nhất trong bảy
nguyên tắc, nói rằng “Bạn cần
phải biết bạn là ai và sống thật với mình… Bạn phải có sự can đảm để sống thật
với chính mình.”
1.
Sống thật với chính mình nghĩa là gì?
Sống thật với chính mình không có nghĩa là vị kỷ hay ích kỷ. Nó
đơn giản là trung thực với giá trị sống của mình, với sự tự trọng của mình, với
sự chính trực của mình.
Nó nghĩa là trung thành với cam kết trở thành một con người có
phẩm cách, có can đảm, có chí khí, có sự tận tụy, có sự kiên cường, và siêng
năng.
Nó nghĩa là không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với bản thân.
Không bao giờ hi sinh những nguyên tắc của mình. Không chấp nhận phản bội lại
giá trị của bản thân.
Nếu như bạn sống thật với những gì tốt nhất bên trong bản thân,
bạn sẽ không bao giờ giả dối hay bất trung với bất kỳ ai khác.
Sự chính trực
Sống thật với chính mình nghĩa là phải có sự chính trực. Chính
trực nghĩa là làm những
điều đúng đắn kể cả khi không có ai giám sát.
Lấy một ví dụ như sau. Tại một bài kiểm tra ba tiếng số học nọ,
vị giáo sư bước vào lớp và phát bài kiểm tra. Sau đó ông ta viết lên bảng: “Làm
điều đúng đắn kể cả khi không có ai giám sát.” Và rồi ông ta rời khỏi
phòng. Ông ta tin tưởng rằng mọi người trong phòng sẽ có đủ phẩm giá/nhân cách
để thực hiện bài kiểm tra một cách trung thực. Đó gọi là sự chính trực. Luôn
luôn làm đúng kể cả không có ai nhìn bạn.
Một khía cạnh khác của sống thật với chính mình đó là trung thực
với bản thân. “Bạn có thể lừa bất kỳ ai, nhưng không bao giờ được lừa chính
bản thân mình. Ngay lúc bạn lừa dối chính mình, bạn đã đánh mất bản thân.”
Khi bạn đứng giữa bờ vực của sự đúng đắn và sai lầm. Hãy chọn sự
chính trực. Khi bị cám dỗ bởi những điều sai trái, đừng bước qua lằn ranh ấy. Đừng
nghĩ rằng chỉ một lần thôi thì không sao cả. Hãy sống thật với những giá trị và
nguyên tắc cao nhất của bản thân, và bạn sẽ không bao giờ giả dối với bất kỳ
ai.
Hãy trở thành con người tốt nhất bạn có thể
Một trong những khía cạnh khác của việc sống thật với chính mình
là phải trở thành con người tốt nhất mình có thể (be the best you can be).
Cha của Coach Wooden thường nói với ông rằng: “Johnny à, đừng
cố gắng trở nên giỏi hơn bất kỳ ai, nhưng không bao giờ cho phép mình ngừng cố
gắng trở thành người giỏi nhất mà con có thể. Đó là thứ duy nhất con có thể kiểm
soát được.”
Đó quả là một lời khuyên đơn giản: tập trung và nỗ lực hết cho
những thứ tôi có thể kiểm soát được và đừng mất ngủ vì những thứ tôi không kiểm
soát được.
Để trở thành con người tốt nhất mà bạn có thể, bạn phải biết quản
trị bản thân và kỷ luật với chính mình. Bởi vì nếu không, bạn sẽ để hoàn cảnh
và môi trường kiểm soát hành vi của mình, lúc ấy bạn sẽ không còn là chính mình
nữa. Dave Myers kể rằng Coach Wooden thường hay dạy họ rằng: “Nếu như các em
không thể kiểm soát bản thân, thì người khác sẽ làm thay điều ấy cho các em. Và
nếu như các em không làm chủ chính mình, các em đang làm hại cả toàn đội.”
Nếu bạn muốn sống thật với chính mình, bạn cần phải đầu tư vào sự
phát triển nhân cách (character) của bản thân. Bill Walton từng nói: “Với
Coach Wooden, phát triển nhân cách luôn luôn là ưu tiên số một. Và khi nói đến
nhân cách, Coach luôn là người sống đúng với những gì mình chia sẻ. Thông điệp
cuộc đời của Coach đó là ‘Nếu như bạn dành thời gian để phát triển nhân cách của
mình, thì khi thử thách cuộc đời ập đến, bạn sẽ ổn thôi.'”
Sống thật với tiềm năng của mình
“Đừng quá bận tâm người khác nghĩ gì về bạn. Nhưng hãy rất để
tâm đến những gì bạn nghĩ về chính mình.” Đó là một câu nói rất nổi tiếng của Coach
Wooden khi ông dạy dỗ học trò của mình. Người khác nghĩ gì về bạn không quan trọng,
quan trọng là bạn nghĩ gì về mình? Bạn nghĩ mình có tiềm năng hay không? Bạn
nghĩ mình có làm được hay không? Bạn nghĩ mình có vượt qua được thử thách hay
không? Đó mới là điều quan trọng.
Sống thật với chính mình nghĩa là sống thật với tiềm năng của
mình. Tất cả chúng ta đều có khả năng đạt được nhiều thành quả hơn chúng ta tưởng
tượng.
Triết lý sống của Coach Wooden đó là “Không bao giờ chấp nhận
nỗ lực ít hơn 100%. Ông không bị ám ảnh về việc thắng thua, nhưng ông luôn muốn
cầu thủ của mình tự hỏi rằng, ‘Liệu tôi đã nỗ lực hết sức hay chưa? Liệu tôi đã
làm hết mức trong khả năng của mình hay chưa? Nếu chưa, thì tại sao không?’ Trong
mỗi trận đấu, trước khi ra sân, ông đều dặn dò các cầu thủ của mình: ‘Khi trận
đấu kết thúc, thầy muốn các em phải ngẩng cao đầu. Và chỉ có một cách duy nhất
để các em có thể ngẩng cao đầu, đó là chơi hết sức mình, với tất cả những gì
các em có.’
Sống thật với những nguyên tắc của bản thân
Sự cám dỗ chính là bài kiểm tra cuối cùng nếu chúng ta muốn sống
thật với chính mình.
Một ví dụ rõ rệt cho chuyện này là khi Coach Wooden học tại
Đại học Purdue và được huấn luyện bởi một vị HLV huyền thoại Ward “Piggy”
Lambert. Năm 1932, khi Coach tốt nghiệp Purdue với bằng tiếng Anh, một đội bóng
rổ chuyên nghiệp đã hứa hẹn ông $5.000 để đi du đấu khắp cả nước. Tại thời điểm
ấy ông cũng đã được hứa hẹn một công việc giảng dạy và huấn luyện tại Indiana
Teacher’s College với mức lương $1.500 để dạy bốn lớp tiếng Anh một ngày và huấn
luyện bốn môn thể thao. Dường như $5.000 là một hứa hẹn rất cám dỗ.
Wooden đến hỏi lời khuyên của Lambert. Sau khi lắng nghe, ông hỏi
Wooden: “Một khoản tiền lớn, John nhỉ?”
“Dạ vâng. Rất lớn.”
“Đó có phải là lý do em đến Purdue không?”
“Sao ạ?”
“Ý tôi là em đến Đại học Purdue để em có thể du đấu khắp nước và
chơi bóng rổ chuyên nghiệp ư?”
John Wooden trả lời: “Um, thưa thầy, không ạ. Em đến đây để được
giáo dục (to get an education). Và em đã được nhận một nền giáo dục rất tốt.”
“Chà, vậy thì John này, có lẽ em nên sử dụng nó đi. Nhưng tự em
phải đưa ra quyết định cho chính mình.”
Wooden có thể kiếm được $5.000 một năm nếu làm cầu thủ bóng rổ,
hoặc ông có thể kiếm được $1.500 một năm với vai trò một nhà giáo dục. Sau này
khi kể lại, ông nói: “Coach Lambert đã dẫn tôi trở về với nguyên tắc đầu
tiên của cha: Hãy sống thật với chính mình. Sâu thẳm bên trong tôi biết đâu là
quyết định đúng đắn. Tôi thật sự muốn giảng dạy và huấn luyện.”
Sâu thẳm bên trong, hầu hết chúng ta đều luôn biết chúng ta cần
phải làm gì với những thời khắc quyết định trong cuộc đời mình. Sự thật là bạn
luôn biết điều đúng đắn cần làm là gì. Phần khó nhất chính là thực hiện nó.
Chúng ta có thể nói: “Tôi bối rối quá. Tôi không biết mình phải
làm gì.” Nhưng thường thì nó không đúng. Chúng ta biết chính xác mình nên
làm gì, nhưng chúng ta không muốn làm nó. Vì vậy chúng ta tìm kiếm một lối
thoát. Chúng ta tìm gặp và xin lời khuyên của mọi người, và hi vọng rằng họ cho
ta lời khuyên mà chúng ta muốn nghe, nhưng lại không phải là câu trả lời mà
chúng ta biết là đúng đắn.
2.
Một số gợi ý để giúp bạn sống thật với chính mình
Như các bạn đã thấy ở trên, sống thật với chính mình là phải hiểu
và biết những giá trị và nguyên tắc nào mà mình luôn muốn gìn giữ và không bao
giờ thỏa hiệp. Trước đây mình cũng đã từng viết hai bài về xác định Giá Trị Cá
Nhân. Lời khuyên của mình là bạn nên đọc ngay bài viết này và xác định cho mình
những giá trị mà bạn ưu tiên. Theo kinh nghiệm của mình thì khi bạn càng trẻ, bạn
càng nên tiếp xúc sớm với khái niệm này và thực hiện nó ngay.
Một cách khác nữa mình thấy rất hay đó là viết Tuyên Ngôn Sứ Mệnh Cá Nhân.
Phương pháp này thì bạn có thể tham khảo trong quyển sách 7 Thói Quen Của Người
Thành Đạt – Stephen R. Covey nhé, chỉ rất kỹ và tận tình. Ngoài ra theo mình
thì đây là quyển sách nên đọc từ đầu tới cuối nếu bạn thật sự nghiêm túc với việc
sống thật với chính bản thân mình.
Cuối cùng mình khuyên các bạn tập ngồi thiền trong ngày. Mỗi ngày dành
10-20 phút ra ngồi im, lắng nghe hơi thở của mình, quan sát suy nghĩ, quan sát
hơi thở của mình. Không phán xét. Để cho tâm trí lắng lại. Khi tâm trí lắng lại
thì bạn mới có thể nghe rõ được những tiếng nói bên trong mình. Chỉ có sự kết nối
cao độ với bản thân bạn mới giúp bạn dần dần hiểu được con người thật bên trong
của mình là gì và nó muốn gì.
Một số cách đơn giản như vậy. Theo mình thì đây là cả một cuộc
hành trình dài nhiều năm liền chứ không chỉ là ngày một, ngày hai là biết mình
là ai. Hãy kiên nhẫn đi và khám phá bản ngã thật sự của mình. Nhớ nhé, khi bạn
sống thật với chính mình, bạn sẽ không giả dối được với bất kỳ ai.
Hẹn gặp lại các bạn trong Nguyên tắc thứ 2 – Giúp đỡ mọi người.
Chúc bạn sống thật mỗi ngày,
Đăng nhận xét